Trong bài viết trên The Guardian, biên tập viên Brittany Frater (Mỹ) chia sẻ cô đã rất tò mò về chiếc vòi xịt toilet (bidet) suốt nhiều năm qua. Nhưng phải đến khi chồng cô gửi cho bức hình về cảnh các siêu thị không còn đến một cuộn giấy vệ sinh, cô mới quyết định phải kiếm một cái về cho nhà mình.
"Dùng nước để rửa thực sự rất có lý, với cá nhân tôi. Rõ ràng rồi, nếu đạp phải chất bẩn bạn sẽ rửa giày bằng nước. Chiếc vòi xịt cũng giúp việc tẩy rửa được nhẹ nhàng hơn đối với những... chỗ hiểm. Bạn vẫn cần dùng giấy, nhưng ít hơn, tiết kiệm phải đến 80% - theo lời một cơ sở bán vòi." - Frater chia sẻ.
"Vài ngày sau, một người bạn than phiền nhà hết giấy, tôi bèn chia sẻ với cô về chiếc vòi vừa mua. Vài phút sau cô báo lại, công ty bán vòi xịt cho tôi giờ đã ngưng nhận đơn, phải đến cuối tháng mới tiếp tục có hàng."
Vậy là, có vẻ như người Mỹ cũng dần quan tâm đến chiếc vòi xịt. Thậm chí, họ còn phát sốt về nó.
Một nhà vệ sinh cơ bản của người Mỹ: tuyệt nhiên vắng bóng vòi xịt
Cơn sốt vòi xịt cuối cùng đã đến với người Mỹ
Trong tuần đầu tiên của tháng 3/2020, Jason Ojalvo - CEO của Tushy, một công ty bán vòi xịt từ năm 2015 chia sẻ: "Chúng tôi thấy số lượng đơn hàng tăng gấp đôi so với nguyên một tháng trước đó."
"Hai ngày sau, số đơn tăng gấp 3 lần, và rồi tăng gấp 10 so với mức bình thường. Những ngày kế tiếp, có lúc doanh số lên tới cả triệu đô mỗi ngày ."
Việc hạn chế ra ngoài vì lệnh cách ly xã hội toàn quốc hiển nhiên khiến nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh tăng cao. Tuy nhiên, nhiều gia đình còn nảy sinh tâm lý tích trữ, và điều này thể hiện qua việc giấy vệ sinh cháy hàng trên mọi mặt trận. Trong đó, loại khan hiếm nhất là từ các thương hiệu cao cấp: giấy 2 lớp và làm từ xơ sợi nguyên thủy, không phải loại 1 lớp từ giấy tái chế mà các doanh nghiệp hay sử dụng.
Thế hệ trẻ thay vì bám lấy quan niệm xưa cũ, họ chọn vòi xịt
Tuy nhiên, thế hệ "millenial" lại có cách tiếp cận khác. Thay vì chạy theo xu hướng, một số người chọn mua vòi xịt - thứ hóa ra lại tiết kiệm hơn rất nhiều vào mùa dịch. Kaitlyn Braswell - chuyên gia phân tích quản lý tại Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog Chicago đã đặt một chiếc cho mình cách đây vài ngày, và cô đang rất trông chờ về cái gọi "một đẳng cấp mới của sự sạch sẽ." Thậm chí, Braswell còn cảm thấy hối tiếc vì đã không biết đến chiếc vòi xịt sớm hơn, bởi hàng của cô sẽ đến sớm nhất vào giữa tháng 5 lận.
Cơn sốt giấy vệ sinh - cơn sốt bí ẩn khiến người châu Âu... chẳng ai hiểu
Tại Ý và nhiều quốc gia châu Âu khác, gần như nhà nào cũng được trang bị vòi xịt. Với họ, cơn sốt giấy vệ sinh của người Mỹ thực sự là điều chẳng thể hiểu nổi. Thực sự, người Ý chẳng thể tưởng tượng ra phòng tắm của mình sẽ như thế nào nếu không có vòi xịt toilet - một phụ kiện được xem là không thể thay thế. Từ những năm 1975, các quy tắc giữ vệ sinh đã có đề cập: "Mỗi căn hộ cần có một phòng tắm, và phải trang bị những tiện ích: toilet, vòi xịt, bồn tắm hoặc vòi hoa sen, bồn rửa."
Trên thực tế, sự chối bỏ, khinh khi của người Mỹ với chiếc vòi xịt không có lý do cụ thể, dù tồn tại một số giả thuyết. Đầu tiên cần biết rằng, vòi xịt toilet không phải lúc nào cũng có dạng vòi. Ban đầu, những chiếc "bidet" có nguồn gốc từ Pháp là những chiếc bồn, để người ta "hành sự" xong thì ngồi vào đó mà... rửa chỗ cần rửa. Nhưng vào Thế chiến II, binh lính Mỹ tại châu Âu đã tới thăm các nhà thổ của Pháp và nhìn thấy chiếc bồn này. Từ đó, "bidet" luôn được liên tưởng tới mại dâm, kể cả sau khi "chuyển dạng" thành vòi.
Nguyên dạng của chiếc bidet trước kia
Còn một giả thuyết khác - theo tờ Atlantic đề cập, đó là việc rửa bằng nước từng một thời được xem là cách "kiểm soát sinh nở". Thậm chí vào năm 1936, có tài liệu ghi rằng sự tồn tại của "bidet" là "biểu tượng của tội lỗi".
Cả hai giả thuyết trên đều không có bằng chứng rõ ràng, nhưng sự kỳ thị vòi xịt là có thật, và nó dẫn đến chuyện người Mỹ chỉ tin tưởng vào giấy vệ sinh mà thôi. Có điều, Covid-19 đã khiến người Mỹ buộc phải thay đổi. Họ cần một giải pháp khác, thay vì cố gắng bám víu vào một thứ niềm tin mơ hồ, lại còn cháy sạch hàng ngoài kia.
Sự chuyển dịch tất yếu?
Với Brandon Krajewski - một nhà làm phim tại Los Angeles, việc giấy vệ sinh cháy hàng cùng chiến lược marketing của Tushy đã khiến anh chuyển sang lắp vòi xịt.
"Chúng tôi đã được thử trải nghiệm vòi xịt vài tháng trước tại một số căn hộ trên Airbnb (ứng dụng đặt khách sạn), và thấy thích nó. Giờ thì ngay khi thấy giấy vệ sinh cháy hàng, chúng tôi hiểu rằng mình hoàn toàn có thể giảm thiểu chi phí và tiết kiệm được giấy."
Tushy không phải là thương hiệu duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng chóng mặt trong doanh thu. Trang Business Insider thống kê, hãng Brondell thậm chí "mỗi 2 phút bán được một chiếc vòi trên Amazon, và tổng cộng khoảng 1000 đơn mỗi ngày." Nhu cầu vòi xịt của hãng Hygiene for Health cũng tăng gấp đôi chỉ sau 2 tuần.
Hiện tượng giảm giấy, chuyển sang dùng vòi xịt cũng rất tốt cho môi trường. Bản thân cây cối là nơi có thể "giam" carbon. Nếu người Mỹ từ bỏ giấy vệ sinh, họ có thể cứu 15 triệu cây xanh bị biến thành bột giấy mỗi năm. Và khi cây cối không bị phá hủy, lá phổi xanh của Trái đất sẽ được bảo tồn.
Bên cạnh đó, việc chuyển sang dùng vòi xịt hóa ra còn giúp... tiết kiệm nước. Bởi lẽ để sản xuất 1 cuộn giấy vệ sinh cần đến hơn 140 lít nước - theo báo cáo của Scientific American. Trong khi đó một số loại vòi xịt chỉ tốn khoảng nửa lít nước cho mỗi lần rửa. Ngoài ra, lượng chlorine dùng để tẩy trắng giấy, số năng lượng dùng cho sản xuất, đóng gói và vận chuyển cũng được hạn chế hơn.
Josh Faulkes - quản lý Hội tế bào học Wisconsin hiện đang phải tự cách ly tại Madison. Faulkes cho biết, dịch bệnh đã biến vòi xịt từ một thứ mơ hồ thành vật dụng rất cần thiết.
"Tình cảnh này đang biến chiếc vòi trở thành thứ phổ biến, thậm chí là thay thế cho những thói quen vốn có." Thậm chí, bản thân Faulkes còn vừa dốc ví để tậu một chiếc bồn có khả năng tự phun nước, trang bị cả hệ thống sưởi trên bệ ngồi. "Quà sinh nhật của tôi đấy!" - Faulkes hào hứng cho biết.
Nguồn: The Guardian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét